aiwiuy Admin
Tổng số bài gửi : 118 points : 333 Danh tiếng : 0 Join date : 26/07/2010 Age : 40 Đến từ : Cao Bằng
| Tiêu đề: NƯỚC NỔI Fri Aug 27, 2010 5:55 pm | |
| NƯỚC NỔI Cái ngày mà tôi ra trường cũng là ngày Tím đi lấy chồng. Hớt hơ hớt hải về đến nhà, quẳng cái ba lô xuống bộ ván ngựa đánh phịch. Út Duyên cầm cây quạt mo cau phe phẩy sau lưng, nói: "Tối nay chị Tím lạy xuất giá, ngày mai người ta rước dâu. Chỉ mới tranh thủ chạy qua hồi hôm, hỏi anh dìa chưa. Rạng ngày lại chạy qua hỏi nữa. Em biểu thế nào anh cũng dìa mà. Có gì em cho hay. Rồi sao? Anh qua liền nghen!"
Qua để làm gì bây giờ? Để Tím vừa nhẹ nhàng hỏi thăm, vừa lấy cái khăn rằn mềm mại hương chanh đưa cho tôi chậm mồ hôi thấm ướt hai bên thái dương như hồi nào sao? Hay ngó tôi trân trân một hồi rồi hỏi: "Nghiệp đi học ăn cái giống gì mà ốm nhom ốm nhách vậy? Để mai ngâm gạo đổ bánh xèo điên điển ăn nghen!"
Hổng dám đâu, Tím ơi. Tím bây giờ sắp thành cô dâu của người ta rồi.
Út Duyên lẽo đẽo theo ra đàng sau lu nước: "Sao anh làm thinh như thóc vậy? Buồn hả?" Tôi vục mặt vào thau nước mưa cho tỉnh người rồi ngẩng dậy, lắc đầu ngoầy ngoậy, nước văng tung tóe "Buồn cái nỗi gì!?!" Rồi đánh trống lảng: "Trời ơi, nước nổi lên hồi nào kìa Út." Út Duyên cũng cả tin: "Mười bảy nước nhảy lên bờ mà anh. Sông đầy tràn hôm anh chưa về kìa!"
* * * Tôi lẩm bẩm: "Ừ anh chưa về sông đã tràn rồi!" Năm nào cũng vậy, con nước tháng bảy, tháng tám đổ về, sông dậy **c một màu phù sa long lanh như nhung, sóng sánh từ những chuyến đò ngang sang sông, xô nước vào đồng. Nước cũng len lỏi vào xóm. Trước tiên dò dẫm vào sau hè. Rồi một sớm thức dậy, nước đã thở hồng hộc dưới sàn nhà, mở lối cho lũ cá rô háu ăn ve vẩy vào sâu. Hồi còn bé xíu, cũng là lúc lũ nhóc túa ra đồng, tôi và Tím - hai đứa một chiếc xuồng - đi hái điên điển. Loài bông vàng rực hơn trong những màu vàng tôi đã biết. Tím thì cứ như là cô đào cải lương. Nó túm một đầu khăn rằn lại bằng một cọng thun rồi trùm lên đầu, thả một vạt khăn còn lại ra phía sau cứ như là một mái tóc dài óng ả. Xong, nó từ từ kết bông điên điển thành vòng, rất nhẹ như sợ bay đi những cánh điên điển nở. Rồi đặt lên đầu. Hai bàn tay có hai ngón út vảnh vảnh cong cong đưa lên đầu vuốt vuốt sửa sửa. Rồi lỏn lẻn hỏi: "Nghiệp ngó tui có giống chị Lành cô dâu hôm ở nhà thím Ba hông?" Thằng tôi đầu trần khét nắng, mình mẩy tèm lem sình đất, cứ lúi húi móc cua trả lời cho xong chuyện. "Ừ, giống." Tím vẫn say sưa với vòng hoa vàng rực. "Đẹp hông?" "Ừ, đẹp."
Nhưng rồi phát hiện ra tôi chẳng dòm nó lấy một chút nào, con nhỏ lắc lắc xuồng phụng phịu: "Có dòm hồi nào đâu mà đẹp? Nè đẹp hông?" Tôi rút con cua kình càng từ trong hang ra, thò lỏ con mắt ngó nó, rồi buột miệng: "Thấy mà ghê! Giống cô sáu Huệ thì có." Tím thắc mắc: "Cô sáu Huệ là ai vậy?" Tôi nói tỉnh bơ: "Thì cái bà khùng chuyên đi bẻ bông dại ở xóm trên đó." Ai mà dè nó giật cái vòng hoa ra khóc hu hu ngon lành. Thế là tôi hoảng hồn, chạy lổn sổn dưới nước đến đầu xuồng dỗ nó: "Thôi, thôi, tao nói chơi mà. Mày giống cô dâu lắm, đẹp lắm." Thế là còn thút tha thút thít, nước mắt tèm lem giọt vắn giọt dài, nó thổn thức: "Thiệt hông?" Tôi nói chắc như cua kẹp: "Thiệt mà!" Thấy vậy nó làm tới: "Vậy, Nghiệp làm anh Bảy nghen!" Tôi chưng hửng: "Anh Bảy nào?" Nó lên giọng chị hai làm như tôi khờ lắm: "Trời ơi, thì anh Bảy chú rể chồng chị Lành cô dâu chứ ai?!"
* * * Tất nhiên tôi không thể làm anh Bảy được đã đành. Bây giờ vợ chồng anh có đến bốn năm đứa nhóc tì nhèo nhẹo ở sau lưng rồi. Nhưng tôi cũng không thể làm chú rể của cô dâu Tím được. Đó chỉ là chuyện hồi xửa hồi xưa. Chứ còn lúc này, tôi chỉ làm một anh hàng xóm thất tình nhưng tốt bụng chuẩn bị sang dựng rạp cho nhà cô dâu theo yêu cầu của Út Duyên mà thôi. Ăn vội ăn vàng vài ba hột cơm, Út Duyên cứ hối như giặc. Thiệt tình là tôi không có bụng dạ nào mà ăn cơm nói chi là sang dựng rạp cho lễ vu quy của Tím. Mà trời ơi, Tím biết là hồi nào tới giờ, miệng tôi chưa nói gì nhưng bụng tôi thương Tím mà. Chỉ phải cái tội nhút nhát thôi chứ tôi khăn gói đi học xa chỉ mong có ngày Tím là "thím giáo" thôi. Đâu mà dè "Bướm vàng đậu đọt mù u" như vậy.
Chắc là thấy cái mặt tôi mềm xèo như bánh tránh nhúng nước, Út Duyên cứ an ủi: "Em biết là như vậy khó cho anh lắm. Nhưng anh coi, tại anh hổng nói gì hết trơn. Ai mà đợi. Trong khi anh đi học biệt hù thì anh Mộc làm công gặt ở xóm trên, tối thứ bảy nào cũng xuống. Hôm rồi, tía chị Tím đi dỡ chà trúng gió, té nước, tưởng chết. May có ảnh hay kịp đưa đi trạm xá rồi sau đó, đưa tuốt xuống bệnh viện tỉnh. Nhà chỉ nghèo, anh Mộc cũng giàu có gì đâu, vậy mà tiền bạc ảnh lo hết trọi. Bác Tư cảm cái ơn, cái nghĩa, gả chị Tím cho. Anh coi, thì cái số nó như vậy. Anh buồn có ích gì?! Sang phụ chỉ một tay cho trọn tình làng nghĩa xóm."
Là Út Duyên nói vậy chứ tôi có định không sang đâu. Vắng Tím, mấy tháng nay vì kỳ thi tốt nghiệp ra trường, tôi nhớ đứt ruột đó chớ?! Nhưng mà có ai lại nghĩ ra trước một cuộc gặp gỡ éo le như thế này đâu. Thôi thì, nói như Út Duyên, số nó là vậy. Xoắn quần lên quá gối, vác một chồng ghế lên vai, tôi dò dẫm từng bước dưới sình, nước ngập gần tới gối sang nhà Tím. Đường đất nước nổi tràn trề, gập ghềnh khó đi. Bước mà muốn té. Hèn nào, tôi khó bề đến được.
* * * Không giống như hồi xưa. Ngày nào tôi cũng tới. Kể cả mùa nước nổi. Sáng, sương còn ướt lá bần, tôi đã đẩy xuồng ra, tháo dây neo xích kêu rổn rẻn. Má ngồi đun nước bằng lá dừa khô, kéo khăn rằn che khói bay mù mịt, nói chòng: "Dạo này thằng Nghiệp siêng học ác bây, bữa nào cũng đi học sớm bửng." Tiếng Út Duyên vừa đập muỗi trước khi cuốn mùng vừa cười hắc hắc: "Siêng gì ảnh má ơi, ảnh đi sớm rước chị Tím đó má." Quơ cái bẹ chuối tát nước trong xuồng ra lõm bõm, tôi quát to: "Con nhỏ nhiều chuyện, thây kệ tao!" Má đập cây quạt mo cau đánh phạch. "Ừa, thi tú tài xong, bay lấy xuồng rước nó luôn về đây làm dâu tao". Rồi đứng dậy đấm đấm tay vào thắt lưng ngó tôi quê một cục, đẩy cây sào đưa xuồng lướt đi thẳng một nước, không dám ngoái đầu lại.
Ừ mà má nói nghe cũng hay. Nhưng chả lẽ học chỉ tới chừng này. Ít ra cũng phải học tiếp cho thành thầy giáo cái đã. Rồi lúc đó, cũng đưa xuồng đến nhà Tím như thế này, cũng lỏn lẻn gọi Tím ơi, Tím à, rồi gồng mình cắm cây sào đứng đợi. Thật chắc, thật vững cho Tím lột dép mũ cầm trên tay, một tay túm lấy vạt áo dài, bước xuống xuồng. Cũng một đứa một đầu xuồng. Nhưng Tím không có đội khăn rằn giả làm tóc nữa. Cũng không đội vòng hoa điên điển. Ngày đó, hai đứa cùng đến trường rồi cùng về. Toàn nói chuyện trên trời dưới đất. Mà tức mình sao hồi đó trong đầu tôi toàn là lúa nếp gì đâu mà quẩn quanh trò chuyện cũng chỉ có thế. Tím chỉ tủm tỉm cười, không lanh chanh lách chách như hồi nhỏ nữa. Cứ khoát khoát tay xuống dưới nước bên cạnh xuồng, làm những con chuồn chuồn miên bay chập chờn theo, đôi cánh mỏng có chấm đen, lóng lánh tia nắng sáng tràn trề trên mặt nước. Nước nổi biến cánh đồng thành biển khơi, năm sau nước lại cao hơn năm trước.
* * * Nước nổi ngày càng cao hơn thật. Cộng thêm trời mưa bão. Lúa non chết đuối. Không kịp gặt. Lúa già trổ mộng không kịp phơi. Người ta đi làm công lại dễ có cơ hội kiếm ăn hơn là hồi hộp chờ nước lũ định đoạt số phận của những công ruộng thấp. Anh Mộc xóm trên cắt lúa mướn cũng có cơ hội kiếm cái ăn - và cả cái cơ hội được gần Tím hơn. Đó là một anh nông dân lành như cục đất, hiền như củ khoai. Học hết lớp 12, ở nhà đi làm lúa mướn, không đong chữ mà lấy thúng đi đong lúa, làm lụng chăm chỉ, thắt lưng buộc bụng dành tiền cưới vợ. Trời xui đất khiến thế nào mà anh rước ngay Tím của tôi. Làm cho đường từ nhà tôi sang Tím gần mà hóa xa, dễ mà hóa khó. Nước ngập dập dềnh, tôi có sang được cũng chỉ để phụ cùng mấy thằng em trai Tím mà thôi. Hết lấy xẻng đắp đất để có chỗ đàng trai cập xuồng qua rước dâu rồi đến chặt lá dừa uốn cong làm cổng vu quy. Tôi cắm đầu cắm cổ làm đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con không dám để mắt tìm kiếm Tím. Nhưng vẫn biết Tím ra đằng trước ba lần. Hai lần thay nước bình trà. Một lần kêu thằng Tý vào bếp bưng phụ nồi nước luộc vịt xuống. Tím mặc cái áo màu hoa lục bình buộc tóc bằng hai cọng thun thả xuống hai bên vai tròn. Chỉ lăng xăng thấp thoáng trên hàng ba hiên nhà thôi. Không đặt chân xuống sân, chỗ bầy trai tráng đang hì hục đắp đất, dậm nền, bày bàn ghế và che rạp. Không đến gần - dù chỉ là tình cờ - để tôi hỏi thăm Tím lấy một câu. Mà thôi, hỏi cái gì bây giờ. Chả lẽ lại bâng quơ về mùa nước nổi, rằng có những cơn sóng lũ làm sạt lở từng mảng đất. Rằng sóng mùa nước lũ cũng không tha cả tôi. Cũng làm sạt lở một cái gì đó trong lòng tôi mà tôi không rõ.
* * * Không rõ là cái gì nhưng cái khổ cái sầu thì rõ lắm. Như con bói cá lao vút xuống mặt đồng đầy nước, ngỡ ngậm được con lìm kìm, ai ngờ ngậm nhầm cọng rơm trôi. Rõ như cái hồi tôi đậu đại học. Còn Tím thi rớt cái bịch, ở nhà giữ em. Tôi khăn gói qua chia tay với Tím. Tím ít nói như từ khi trổ mã thành thiếu nữ. Chỉ ngồi im. Thỉnh thoảng, quơ tay đuổi muỗi, lâu lâu lại hỏi:
- Đủ tiền đi học hông à nghen!
- Lên trển rồi ở đâu vậy cà! Nhớ giữ gìn sức khỏe đó.
Lạ là tôi - một thằng con trai - lại cứ nhờ Tím nói một cái gì đó khác hơn kìa. Đại khái là Nghiệp đi học, Tím nhớ Nghiệp lắm. Tím sẽ viết thư cho Nghiệp mỗi ngày một lá. Rằng Nghiệp có nhớ hồi nước lên năm nào, Tím làm cô dâu và muốn Nghiệp làm chú rể hay không? Tím sẽ còn nói nhiều, nhiều nữa để tôi run rẩy nhưng chắc là sẽ rất hạnh phúc trả lời Tím rằng tôi sẽ nhớ Tím vô cùng. Rằng tôi sẽ viết hai lá thư cùng một lúc khi nhận được thư của Tím. Rằng cái trò cô dâu chú rể sẽ thành hiện thực ngay khi tôi ra trường làm ông thầy giáo.
Nhưng rồi không có gì. Cả tôi, cả Tím. Không ai nói những câu như thế. Tím không nói - dù tôi có chờ đợi đã đành. (Thật phi lý khi đợi con gái nói ra điều đó). Tôi cũng không nói và tôi sẽ luôn tự dằn vặt mình về điều này trong suốt cuộc đời còn lại. Không nói gì, nhưng tôi nhớ là khi bước xuống xuồng cho Út Duyên đưa ra bến đò qua sông, tôi cứ nhìn Tím. Cố thoát khỏi cái nhút nhát của một thằng con trai mới lớn bên cạnh cô bạn thời niên thiếu để nhìn sâu vào mắt Tím. Một cái nhìn thật sâu thẳm, thật nồng nàn. Và khi xuồng lướt nhẹ đi xa theo mái dầm của Út Duyên, Tím lùi dần về phía sau đồng nước, tôi nghe một cái gì đó không rõ ràng nhưng thắt chặt trái tim. Dường như là một nỗi buồn. Nỗi buồn lan ra như sóng nước. Nỗi buồn dạo đầu cho một nỗi đau lớn hơn khi hôm nay, tôi trở thành một anh thầy giáo, thì Tím cũng bước lên xuồng hoa. Nhưng không về để làm dâu của má tôi, mà là về tuốt ở xóm trên. Về nhà anh Mộc!...
* * * Rồi sau này, nhiều mùa nước sẽ thay nhau tràn về sẽ dữ dội phá phách rồi cũng lặng lẽ rút dần, lại còn chắt chiu phù sa nuôi lớn những mùa vụ sau. Tôi sẽ ôm giáo án đến trường làm thầy giáo. Để sau những giờ học ngắn ngủi của một chốn quê, tôi sẽ có những thời khắc chờ đợi rất dài mà không rõ mình chờ đợi cái gì? Chờ mùa nước năm nào trở lại hay chờ một ngày nào đó, Tím tay bế tay bồng vào trường nhờ tôi dạy con của Tím. | |
|